Sinh thường luôn kèm theo những cơn đau ngoài sức tưởng tượng. Thời gian chuyển dạ còn có thể kéo dài từ 6 – 24 giờ, tùy vào sinh con đầu hay con sau. Cho nên, nếu mẹ biết cách hít thở dễ sinh, cơn đau sẽ được giảm đi đáng kể, bé cũng mau chóng chào đời hơn. Sau đây là hướng dẫn cách thở khi sinh thường cho mẹ, iPREG xin chia sẻ cùng bạn.
Xem thêm: 7 cách làm cổ tử cung mở nhanh từ chuyên gia
Phụ Lục Bài Viết
Những lợi ích khi mẹ thở đúng cách trong khi chuyển dạ
Không phải tự nhiên mà các nhà khoa học nghiên cứu ra phương pháp hít thở khi sinh. Lợi ích mà nó mang lại chắc chắn sẽ làm bạn ngạc nhiên:
- Kỹ thuật hít thở sẽ giúp làm giảm những cơn đau trong suốt quá trình chuyển dạ.
- Các cơn co tử cung nhờ hít thở đúng cách cũng được kiểm soát tốt hơn.
- Giúp mẹ điều khiển được các nhóm cơ một cách linh hoạt. Nhờ thế, quá trình chuyển dạ cũng diễn ra nhanh hơn.
- Nắm được phương pháp hít thở, mẹ cũng bớt lo lắng và mạnh dạn chọn sinh thường hơn, giảm nguy cơ sinh mổ ở phụ nữ.
Khi đã hiểu rõ lợi ích của kỹ thuật này, hãy đến ngay với hướng dẫn chi tiết sau đây về cách hít thở dễ sinh đúng chuẩn cho mẹ.
Cách thở dễ sinh theo chu kỳ của cơn co tử cung
Khi quá trình chuyển dạ bắt đầu, mẹ cần dồn sự tập trung vào từng hơi thở. Lúc này, cảm nhận từng chu kỳ của cơn co tử cung vô cùng quan trọng để điều chỉnh hơi thở sao cho phù hợp. Chu kỳ sẽ gồm 3 thì: thì co, thì kéo dài và thì nghỉ. Các cơn gò tử cung sẽ lặp lại liên tục. Điều này đồng nghĩa với việc các cơn đau cũng sẽ như vậy. Vòng lặp sẽ kết thúc khi em bé chào đời.
Thở nhanh ở thì co
Lúc bắt đầu, mẹ sẽ cảm thấy bụng cứng lên, cơn co tử cung xuất hiện. Khi bắt đầu cảm nhận được cơn đau, mẹ nên thở nhanh dần. Lúc này, mẹ cần chú ý hít vào bằng mũi và thở ra bằng miệng.
Thở nông hơn ở thì kéo dài
Cơn đau sẽ tăng dần mức độ và đạt đỉnh điểm ở thì kéo dài. Đoạn chuyển tiếp giữa hai thì này, mẹ sẽ cảm nhận cơn đau ngày một rõ hơn. Lúc này cơ co tử cung sẽ thắt mạnh hơn, mẹ nên áp dụng cách thở nhanh và nông. Cảm nhận đau càng nhiều thở càng nhanh. Để dễ hình dung, mẹ cảm tưởng như đang huýt sáo tiếng nhỏ vậy. Nhiều người còn gọi đây là thở như thổi nến. Kỹ thuật thở này sẽ làm giảm áp lực tử cung, giúp mẹ tránh rặn sớm.
Thở chậm lại ở thì nghỉ
Cơn đau sẽ giảm dần và không cảm thấy đau ở thì thì nghỉ. Lúc này, mẹ nên thở chậm lại, sâu hơn, nhịp thở giảm dần và thả lỏng một chút. Đây chính là khoảng cách giữa các cơn co tử cung. Mẹ sẽ lấy lại sức tại thời điểm này và chuẩn bị tinh thần cho cơn đau tiếp theo.
Để thuần thục cách hít thở, mẹ nên tham gia các lớp học trước sinh. Đồng thời, giữ cho tâm trạng thoải mái nhất có thể khi bắt đầu lâm bồn. Mẹ không nên quá lo lắng, các bác sĩ và y tá sẽ luôn bên cạnh hướng dẫn và cổ vũ tinh thần cho mẹ.
Khi được sự cho phép của bác sĩ, mẹ mới bắt đầu rặn. Thở đúng phương pháp nhưng rặn sai cách thì thai nhi cũng khó được đẩy ra khỏi bụng mẹ nhanh chóng. Việc này kéo dài có thể khiến mẹ kiệt sức, còn bé có thể bị ngạt trước khi sinh ra. Vì vậy, bên cạnh kỹ thuật hít thở, mẹ cũng cần học phương pháp rặn đẻ đúng chuẩn.
Kết hợp thở đúng cách với phương pháp rặn đẻ khoa học
Cách hít thở dễ sinh chỉ hiệu quả khi mẹ biết cách rặn đúng cách. Sau đây là hướng dẫn thường được áp dụng ở các lớp học tiền thai sản:
- Mẹ sẽ không nằm hẳn mà nằm cao đầu ở góc 45 độ. Lúc này tay sẽ bám chặt thành của bàn sinh, còn chân sẽ đạp vào 2 bàn đỡ.
- Khi cơn co tử cung xuất hiện, mẹ hít hơi sâu để dồn hơi xuống vùng bụng dưới. Lúc này tập trung rặn thật mạnh để đẩy bé ra ngoài. Cơn đau vẫn sẽ kéo dài dù mẹ đã hết hơi. Hãy ngay lập tức hít vào một hơi khác và rặn tiếp tục đến khi cảm thấy hết đau. Cách rặn này được mô tả giống như đang đi vệ sinh. Lưu ý, để lực rặn được mạnh hơn mẹ nên dồn hơi thật nhiều xuống vùng bụng và không nên phát ra tiếng.
- Đến thì nghỉ của chu kỳ co tử cung, mẹ nên thư giãn, hít thở đều đặn và nhẹ nhàng hơn. Như đã đề cập ở trên, đây chính là lúc mẹ lấy lại sức cho cơn co tử cung tiếp theo.
Tại sao lại rặn giữa cơn co tử cung, tức là ở thì kéo dài? Không phải như thế cơn đau sẽ nhân đôi lên sao? Đây chính là mấu chốt của phương pháp rặn đúng chuẩn. Một mình lực rặn của mẹ không đủ sức để đẩy thai nhi ra ngoài. Lúc này, lực co của tử cung kết hợp thêm lực đẩy của nhân viên y tế, mẹ sẽ dễ dàng đưa bé chào đời hơn.
Nhiều mẹ vẫn không điều hòa được nhịp thở dù đã được hướng dẫn kỹ lưỡng. Việc này có thể dẫn đến một số tác hại cho sức khỏe của mẹ cũng như của bé.
Mẹ bầu thở không đúng cách có ảnh hưởng gì không?
Bỏ lỡ cách hít thở dễ sinh mẹ không chỉ sinh khó mà còn có thể gặp các vấn đề sau:
- Khi mẹ nóng vội hoặc quá căng thẳng mà thở gấp, lượng oxy hít vào thường không đủ. Mẹ dễ kiệt sức sau một, hai cơn co tử cung.
- Sợ hãi khiến nhịp thở hỗn loạn sẽ làm giảm sản xuất oxytocin. Đây là một hormone đóng vai trò cực kỳ quan trọng giúp mẹ chuyển dạ thuận lợi.
- Căng thẳng, cơ thể co rút lại làm mẹ thở chậm và nặng nề hơn. Cách thở này sẽ kéo dài thời gian chuyển dạ, mẹ sẽ chịu nhiều cơn đau với tần suất dày hơn.
- Thở sai cách sẽ rất khó rặn đẻ. Mẹ có thể mệt lả đi, trong khi bé vẫn chưa chào đời. Nguy hiểm nhất là bé bị ngạt thở trước khi được sinh ra.
Cách hít thở dễ sinh thực ra không khó để áp dụng. Quan trọng là mẹ phải thật thoải mái và thả lỏng tinh thần. Có như thế, quá trình lâm bồn mới dễ thành công, kết quả mới “mẹ tròn con vuông”.